🇻🇳 LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG 10/3 ÂM LỊCH
Diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là ngày hội truyền thống lớn, dịp để cả dân tộc tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn công lao dựng nước của các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Từ xa xưa, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày giỗ trọng đại của cả dân tộc, in đậm trong tâm trí của mỗi người con đất Việt. Dù ở phương trời nào, đến ngày 10/3 âm lịch hàng năm, người Việt Nam đều hướng về đất Tổ Phú Thọ với tấm lòng thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, răn dạy con cháu về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” ngàn năm của dân tộc.
🖍Lịch sử ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là Thủy Tổ người Việt. Cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ lấy nhau rồi sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Một hôm, Lạc Long Quân nói với vợ: “Ta là giống Rồng, mình là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, không ở cùng nhau được”. Vì vậy, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển lập nghiệp. Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu (nay là tỉnh Phú Thọ) lập ra nước Văn Lang và được tôn làm Vua Hùng. Văn Lang là nhà nước đầu tiên trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, được cai trị bởi 18 đời vua.
Các Vua Hùng đã dạy dân trồng lúa nước và chọn núi Nghĩa Linh, ngọn núi cao nhất vùng để thực hiện những nghi lễ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp như thờ thần lúa, thần mặt trời để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, nhân dân đã lập đền thờ tưởng niệm - Đền Hùng và lấy ngày 10/3 âm lịch hàng năm làm ngày Giỗ Tổ.
Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê, các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10/3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm trở thành ngày hội chung của toàn dân tộc. Trong ngày này, nhân dân cả nước cùng nhau hành hương về khu di tích lịch sử Đền Hùng để tưởng nhớ Quốc Tổ. Bên cạnh đó, lễ bái vọng tưởng nhớ các Vua hùng cũng được tổ chức quanh năm ở các đền thờ Hùng Vương trong cả nước. Truyền thống này khẳng định cội nguồn dân tộc, nguồn gốc của bản sắc văn hóa và đạo đức Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh vượt qua khó khăn, thử thách trong tiến trình xây dựng và phát triển Việt Nam.
Giỗ Tổ Hùng Vương còn là dịp để giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng có công dựng nước và thế hệ các ông cha đi trước đã kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế về một di sản văn hóa giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của dân tộc ta.
Với những giá trị và ý nghĩa to lớn, ngày 06/12/2012, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được bạn bè quốc tế biết đến khi UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng và cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, hay Lễ hội Đền Hùng là phong tục đã tồn tại hàng nghìn năm trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam. Lễ hội góp phần tô điểm cho nền văn hóa dân tộc, ý nghĩa tâm linh của cuộc trẩy hội về Đền Hùng đã trở thành nếp nghĩ, nếp sinh hoạt truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần, trở thành niềm tự hào của của người Việt với nguồn gốc con rồng cháu tiên ngàn đời.